Hà Giang luôn là địa điểm du lịch thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là các “dân phượt” yêu thích chinh phục những cung đường quanh co, những con dốc khúc khuỷu. Nếu bạn đang có kế hoạch du lịch Hà Giang mà chưa biết nên lựa chọn thời điểm nào? đi bằng các nào? các địa điểm check-in ở đâu? Ăn gì?…thì hãy tham khảo bài viết dưới đây để có được những bước chuẩn bị thật kỹ lưỡng và chu đáo cho chuyến đi sắp tới của mình nhé!!!
ĐI DU LỊCH HÀ GIANG VÀO MÙA NÀO?
Nếu chưa đến Hà Giang lần nào thì bạn có thể sắp xếp lịch đi Hà Giang theo khoảng thời gian mà mình rảnh rỗi. Bởi Hà Giang là một điểm đến mà theo như dân du lịch đánh giá “mùa nào cũng đẹp”.
- Tháng 10 – 11: mùa hoa Tam Giác Mạch, bạn đi vào khoảng tuần thứ 3 của tháng 10 cho đến khoảng đầu tháng 11 là đẹp.
- Từ khoảng tháng 12 đến Tết âm thường sẽ có hoa cải vàng rải rác ở một số nơi như Quyết Tiến, Phố Cáo, Sủng Là.
- Khoảng trước và sau Tết âm lịch lần lượt là thời gian của hoa mận và hoa đào nở.
- Khoảng tháng 6 – 8 là mùa hè, mùa nước đổ. Hà Giang luôn có nắng là thời điểm thích hợp để có những bức ảnh đẹp về cao nguyên đá. Tuy nhiên đi vào mùa hè thường có thể gặp mưa.
- Tháng 9 là mùa lúa chín của vùng cao. Thời điểm này mà đến thăm Hoàng Su Phì thì quá ư là tuyệt vời nhé bạn.
ĐẾN HÀ GIANG BẰNG CÁCH NÀO?
Có nhiều cách để đi đến Hà Giang. Tuy nhiên, có 2 cách phổ biến để lên đến Hà Giang. Đó là:
Cách 1: Khoảng cách từ Hà Nội đến Hà Giang khoảng 300km. Nếu bạn có hứng thú chinh phục Hà Giang bằng xe máy, thì có thể vác theo xe chạy từ Hà Nội. Thời gian đi khoảng 8 -10 tiếng.
Cách 2: Nếu bạn không hào hứng với việc chạy xe máy từ Hà Nội lên. Bạn hoàn toàn có thể đi xe giường nằm lên Hà Giang. Sau đó, thuê xe máy tại các cửa hàng thuê xe Hà Giang để đến các điểm.
ĐẾN CÁC HUYỆN Ở HÀ GIANG NHƯ THẾ NÀO?
Đi lại ở Hà Giang trước kia rất hạn chế và khó khăn. Chủ yếu mọi người đều di chuyển theo đoàn bằng xe máy hoặc ô tô tới các huyện. Hà Giang bây giờ đã là điểm du lịch yêu thích ở Miền Bắc. Vì thế mà có rất nhiều nhà xe xuất hiện để phục vụ cho nhu cầu của khách du lịch. Các xe khách đi đến các huyện chủ yếu chạy theo lịch trình hằng ngày. Chủ yếu tới các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc…
Hoặc cách phổ biến do hầu hết các bạn trẻ là phượt xe máy từ Hà Giang tới các điểm. Vừa được ngắm cảnh, lại chủ động thời gian.
CÁC ĐỊA ĐIỂM CHECK-IN TẠI HÀ GIANG
Cột Mốc Số 0
- Vị trí: Phường Nguyễn Trãi, tp. Hà Giang
Đây là điểm check-in thú vị đầu tiên trên hành trình khám phá Hà Giang. Nằm ngay trong thành phố Hà Giang, từ Hà Nội đi lên bạn đừng quên chụp vài kiểu ảnh kỷ niệm tại cột mốc này.
Động Én
- Vị trí: Nằm cách tp. Hà Giang khoảng 60km thuộc huyện Yên Minh
Động Én vẫn còn hoang sơ với những khối nhũ đá mang hình thú kì lạ. Đây là một điểm du lịch thu hút khách tham quan lui tới.
Hoàng Su Phì
- Vị trí: Nằm cách tp. Hà Giang khoảng 50km
Đây là một huyện biên giới vùng cao thu hút khách du lịch ưa mạo hiểm, phiêu lưu. Bởi đường lên khá hiểm trở. Những thửa ruộng bậc thang như kéo tới tận chân trời, mùa lúa chín hay mùa nước đổ đều mang những vẻ đẹp riêng.
Núi Đôi, Cổng trời Quản Bạ
- Vị trí: 256 QL4C, TT. Tam Sơn, Quản Bạ, Hà Giang
Là một trong những địa điểm nổi tiếng ở Hà Giang. Núi đôi, cổng trời Quản Bạ có hình dáng như bộ ngực căng tròn của nàng tiên đang say giấc nồng. Với địa hình đẹp, núi đá trùng điệp, thời tiết trong lành…núi đôi, cổng trời Quản Bạ là một trong những địa điểm không thể bỏ qua khi ghé thăm mảnh đất địa đầu Tổ quốc.
Rừng thông Yên Minh
- Vị trí: Cách tp. Hà Giang khoảng 100km về phía Đông Bắc
Ở Yên Minh thông mọc trải dài trên các đồi thấp dọc theo con đường lên tới thảo nguyên Yên Minh. Thị tứ Yên Minh nhỏ nhắn nằm ngay trên đường tỉnh lộ, bắt đầu từ đoạn xã Na Khê cho đến Thị trấn Yên Minh. Đoạn quốc lộ 4C với hai bên đường bạt ngàn thông, cảnh sắc hai bên khá giống với con đường lên Đà Lạt.
Phố cổ Đồng Văn
Vị trí: trung tâm tt. Đồng Văn
Phố cổ Đồng Văn chỉ có vẻn vẹn khoảng 40 nóc nhà, nằm xếp nhau dưới núi đá. Nhìn tổng thể, phố cổ Đồng Văn mang đậm dấu ấn kiến trúc của người Hoa. Với những ngôi nhà hai tầng lợp ngói âm dương cùng những chiếc đèn lồng đỏ treo cao.
Cột cờ Lũng Cú
- Vị trí: Đường lên Cột Cờ, Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang
- Giá vé: 20.000VNĐ/người
Nhìn từ phía dưới lên, cột cờ Lũng Cú sừng sững trên đỉnh núi rồng. Lá cờ đỏ sao vào tung bay trong gió đầy kiêu hãnh. Vừa là di tích lịch sử, vừa là điểm cực Bắc Tổ Quốc linh thiêng, hùng vĩ, nên trong nhiều năm qua, di tích cột cờ Lũng Cú là điểm đến thu hút nhiều du khách gần xa.
Dốc Bắc Sum
- Vị trí: Thuộc xã Minh Tân, Vị Xuyên
Là một con dốc hùng vĩ của Hà Giang, được nhiều người ví như đèo Pha Đin của vùng đất cao nguyên đá. Dốc uốn lượn dài vài cây số. Nhìn từ trên cao, dốc như đường gấp khúc mềm mại nằm giữa cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, kì bí.
Dinh Họ Vương (Dinh Vua Mèo)
- Vị trí: Xà Phìn, Đồng Văn, Hà Giang
- Giá vé: 20.000VNĐ/người
Là một công trình với kiến trúc đặc sắc bậc nhất của tỉnh Hà Giang. Được Nhà nước xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Đây là điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách khi bước chân tới Hà Giang. Dinh Vua Mèo với hai hàng sa mộc cao vút ở lối vào được xây dựng từ đầu thế kỷ 20. Mô phỏng theo kiến trúc Trung Quốc (đời Mãn Thanh) với những đường cong, nét lượn, trạm trổ tinh xảo.
Đèo Mã Pì Lèng
- Vị trí: QL 4C, Pải Lủng, Mèo Vạc, Hà Giang
Được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất đèo”, Mã Pí Lèng là con đèo đẹp và hùng vĩ nhất miền núi phía Bắc Việt Nam. Với một bên là vách núi cao dựng đứng, một bên là vực sâu hun hút. Đứng từ đỉnh đèo nhìn xuống là con sông Nho Quế bốn mùa xanh trong uốn lượn. Như một sợi chỉ cắt ngang những dãy núi đá tai mèo nhọn hoắt, là nơi mà mây, núi, trời, sông hội tụ.
Thung lũng Sủng Là
- Vị trí: Cách huyện Đồng Văn hơn 20km, nằm trên quốc lộ 4C
Nơi đây cũng chính là xã vùng cao đẹp nhất trong toàn cao nguyên đá Đồng Văn. Người Mông ở Sủng Là trồng tam giác mạch và hoa cải trên đồi đất cao. Trồng ngô, lúa ở vùng đất bằng nơi đáy thung lũng. Mùa xuân là mùa đẹp nhất của mảnh đất này khi những vạt hoa nở khắp vùng cao nguyên đá.
Nhà của Pao
- Vị trí: Nằm trong khuôn viên làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm thuộc xã Sủng Là, huyện Đồng Văn.
- Giá vé: 10.000VNĐ/người
Nếu như bạn đã từng xem bộ phim truyện phản ánh chân thực đời sống của cộng đồng dân tộc Việt Nam trong Chuyện của Pao, thì chắc chắn sẽ không khỏi ấn tượng với ngôi nhà giản dị với những bờ rào đá. Và thật thú vị khi ngôi nhà ấy lại hoàn toàn có thực. Sau khi bộ phim kết thúc, nơi đây đã trở thành một địa điểm tham quan được nhiều người biết đến.
Chợ tình Khâu Vai
- Vị trí: ĐT 217, Khâu Vai, Mèo Vạc, Hà Giang
Khâu Vai quyến rũ du khách với phiên chợ tình có một không hai ở Việt Nam: Phiên chợ dành cho những người yêu có tình yêu dang dở, đã yêu nhưng lỡ duyên, không đến được với nhau. Chợ họp vào ngày 27/3 âm lịch hàng năm.
ĂN GÌ Ở HÀ GIANG?
Bánh cuốn trứng
Nơi miền đá lạnh Hà Giang, người ta phải ăn món gì thật nóng, thật cay để chống chọi không khí u ám tỏa ra từ đá núi. Nhưng bánh cuốn trứng, đặc sản của miền địa đầu tổ quốc này, lại là “món lạnh”, dùng cùng chén nước lèo ninh xương nóng hổi, ngọt lừ. Bánh cuốn trứng Hà Giang ngon là do sự kết hợp của bột bánh dẻo vừa đủ, nhân thịt đậm đà, đặc biệt là bát nước chấm có vị riêng biệt.
Nộm da trâu
Đây là một món ăn khá lạ, cũng là một nét ẩm thực độc đáo của Hà Giang. Da trâu sẽ được trộn đều trong các loại gia vị riêng (không thể thiếu mắc khén nhé). Cùng các loại rau thơm để tạo thành món nộm da trâu giòn ngon, béo ngậy. Nếu bạn thích có thể qua: Km3, Cầu Mè, tp. Hà Giang (quán Giang Sơn: 0988.470.863). Mỗi ngày chủ cửa hàng chỉ làm 50 suất, các bạn nếu đi theo nhóm đông và có nhu cầu nhiều nhớ đặt hàng trước nhé.
Xôi ngũ sắc
Gọi là xôi ngũ sắc vì khác với các loại xôi thông thường, xôi ngũ sắc được tạo nên bởi năm loại xôi với năm màu khác nhau. Đó là màu đỏ, màu vàng, màu xanh, màu tím và màu trắng.
Thắng cố Đồng Văn
Mùi thơm của thảo quả, hạt dổi và củ sả, quyện với vị béo ngậy của thịt làm ấm lại không gian giữa tiết trời se lạnh. Đàn ông Mông đi chợ Đồng Văn đều mong được ăn một bát thắng cố, uống vài bát rượu với bạn bè. Người ta quan niệm ai có nhiều bạn thì người ấy được mời nhiều rượu. Người nào say khi về chợ là người tốt phúc bởi có nhiều bạn.
Cháo ấu tẩu
Rất nhiều người khi đến Hà Giang, nếu đã được thưởng thức một lần rồi sẽ tìm đến để ăn lại. Cháo ấu tẩu không chỉ là món ăn đơn thuần, mà còn là vị thuốc bổ giải cảm. Cháo đắng ở Hà Giang mùa nào cũng có, nhưng chỉ bán vào ban đêm. Mùa đông lạnh giá ở miền núi được ngồi trong không gian hàng quán ấm áp bếp hồng. Thưởng thức món cháo ấu tẩu, cháo đắng Hà Giang cũng là một sự thích thú trong lối ăn chơi cho những người yêu thích khám phá điều mới lạ.
Mèn mén Hà Giang
Sau vụ thu hoạch ngô được phân loại, phơi khô cả vỏ đưa lên gác xép, xếp thành hàng, để dùng dần. Ngô được tẽ ra, quạt sạch rồi xay nhỏ bằng cối đá. Khi xay phải có hai người, một người kéo tràng, một người đứng bỏ hạt. Khi đồ cho bột ngô vào chõ, rắc đều một chút nước đậy kín. Đặt lên chảo nước rồi đun, chờ có mùi thơm toả ra là cơm chín. Cơm bột ngô hấp, người ta quen gọi là mèn mén.
Bánh tam giác mạch
Vào cuối mùa hoa tam giác mạch, người dân địa phương sẽ thu hoạch hạt cây rồi bán lại cho các hợp tác xã. Để làm ra những chiếc bánh này, họ nhào bột đã xay với nước rồi đóng thành khuôn, đem đi nướng. Giá thành của sản phẩm sau khi ra lò nóng hổi là 10.000-15.000 VNĐ/chiếc. Dù không cao giá như nhiều món hàng ở những nơi khác, nhưng bánh tam giác mạch đang góp phần lớn vào sự phát triển ẩm thực, du lịch và kinh tế của vùng cao nguyên đá.
Thắng dền
Thắng dền trông giống bánh trôi tàu ở Hà Nội, giống bánh cống phù ở Lạng Sơn. Được làm từ bột gạo nếp, có thể làm chay hoặc bọc nhân đậu đỗ. Mỗi viên bột được nặn to hơn đầu ngón tay cái chút xíu. Cho vào nồi nước dùng luộc, đến khi nổi lên chủ quán sẽ dùng muôi vớt ra. Thắng dền thơm ngon hay không là ở bát nước dùng. Được pha bởi hỗn hợp ngọt ngào của đường, béo ngậy của nước cốt dừa và cay cay của gừng đun nóng.
Rêu nướng
Các món ăn được chế biến từ rêu đá còn được gọi là quẹ. Rêu tươi đem về được vò đập thật kỹ cho sạch nhớt phù sa, sau đó có thể chế biến thành nhiều món như rêu rán, rêu khô nhưng độc đáo nhất vẫn là món trộn với các loại gia vị rồi đem nướng.
Cơm lam Bắc Mê
Hà Giang là một vùng phì nhiêu với những loại gạo nếp thơm ngon nổi tiếng thì cơm lam Bắc Mê đang dần trở thành một đặc sản đặc trưng của đồng bào dân tộc Tày nơi đây.
MỘT SỐ CHÚ Ý KHI DU LỊCH HÀ GIANG
- Nếu bắt đầu đi xe máy Hà Nội lên Hà Giang từ sáng sớm, bạn nên nghỉ đêm tại tp. Hà Giang. Vừa để đảm bảo sức khỏe cho chặng đường dài, vừa khả năng cáo sẽ gặp thời tiết sương mù nếu di chuyển tiếp lên Quản Bạ
- Cực cẩn thận nếu bạn đi phượt bằng xe máy vì đường ở Hà Giang có nhiều khúc cua và dốc.
- Nếu thuê xe máy ở Hà Giang, nên kiểm tra xe cẩn thận trước khi nhận. đảm bảo có 1 gương trái hoặc cả 2 gương.
- Trang bị cho mình những đồ dùng thật cần thiết khi đi phượt: mũ bảo hiểm chất lượng, găng tay, nước. áo cản gió,…
- Hạn chế tự lái xe vào những ngày trời sương mù lạnh, mưa phùn.
- Cần đặt phòng, vé xe trước (đặc biệt là mùa cao điểm) để đảm bảo bạn được giữ chỗ.
Tham khảo gợi ý lịch trình du lịch Hà Nội – Hà Giang chi tiết nhất tại Đây
AP TRAVEL sưu tầm