Không phải là món sơn hào hải vị, không phải trong một nhà hàng sang trọng, cũng không phải là một món ăn đắt tiền nhưng nó lại được lòng đa số thực khách ngay lần đầu thưởng thức – Đó là“Phá lấu đường phố”.
Nếu là người sành ăn, dù có lớn tuổi hay khó tính và ngại bụng ngại miệng với các món ăn vặt, cũng phải ngạc nhiên khi thấy giới trẻ khoái khẩu với món phá lấu bò, tạo hiện tượng bán và ăn phá lấu bò khắp Sài Gòn, Chợ Lớn.
Nhưng trước tiên cũng coi lại phá lấu là gì? Từ phá lấu vốn phát âm theo tiếng của người Tiều, một sắc dân thuộc cộng đồng người Hoa nhập cư lâu đời Sài Gòn- Chợ Lớn và miền Nam Việt Nam.
Phá lấu là món ăn chế biến từ nội tạng động vật như heo, bò, vịt… được tẩm ướp gia vị ngũ vị hương, đại hồi… Những ai từng đi ngang qua đường Hồng Bàng, thuộc quận 6 hẳn còn nhớ các tiệm bán cơm, cháo, ăn với phá lấu heo, vịt, dưa chua… nổi tiếng từ trước năm 1975.
Với món phá lấu, không hề quá lời khi cho rằng ngày nay người Việt trẻ ở Sài Gòn ưng ăn và sành ăn món phá lấu có khi còn hơn cả người gốc Hoa, đơn cử là có tiệm khu trung tâm quận 3, dọn cho thực khách cả nia các loại phá lấu làm từ nội tạng heo, bò, dê, vịt… kèm với bánh mì, mì sợi, bún để cho từng tốp thanh niên nam nữ nhào vô ăn mệt nghỉ luôn.
Trở lại với món phá lấu bò đang lên hương trong thời giá thịt heo mắc. Chúng tôi đi cùng một tốp bạn trẻ đến một trong những quán phá lấu bò ngon và có thâm niên lâu đời ở đường Phạm Văn Chí Quận 6. Trên con đường này, quán phá lấu nào cũng người ra vô tấp nập.
Quán chiếm một góc lề đường và đông khách. Chủ quán, mặc quần đùi ở trần, tay cầm xấp tiền đi quanh các bàn ăn để chăm sóc khách, ông cho biết, ông dọn hàng sau 11h trưa, ít khi nào quán ông còn hàng sau 5h chiều, và hầu hết khách hàng quen của ông là các nhóm thanh niên từ khắp Sài Gòn theo thông tin mạng xã hội mà tìm đến thưởng thức
Món phá lấu bò nhìn bên ngoài có màu sắc như một món cà ri, sắc vàng đục từ bột cà ri pha nước dừa, bên cạnh là dĩa nhỏ nước chấm vị chua ngọt cũng màu vàng tươi, món bánh mì ăn kèm vỏ bánh có màu vàng cháy; nếu trước khi ăn bằng miệng, lúc ăn bằng mắt thì đúng là thực khách đang ăn các sắc độ khác nhau của màu vàng.